Kinh doanh cà-phê nguyên chất, Trần Quốc Tùng biết rõ đây không chỉ là cuộc chiến giữa các đối thủ cùng đường hướng, mà còn là cuộc chiến với các sản phẩm gắn mác cà-phê nhưng không phải cà-phê.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà-phê thô lớn thứ hai thế giới, sau Brazil. Nhưng nghịch lý thay, phần lớn người Việt hàng ngày đã và đang thưởng thức loại nước đen sánh có thành phần từ đậu nành, bột bắp cùng hương liệu hóa chất không rõ nguồn gốc. Mọi người thường gọi đó là cà-phê. Đã có không ít tổ chức, doanh nghiệp “ngược dòng”, tìm lại sự nguyên bản của hạt cà-phê cũng như nâng tầm giá trị của cà-phê Việt, trong đó có Trần Quốc Tùng và cộng sự của Azzan Fresh Coffee.

Khắt khe từ A đến Z

Tìm về Buôn Ma Thuột, “thủ phủ” của cây cà-phê, Trần Quốc Tùng gặp anh Nguyễn Nam Phương, người có cùng tầm nhìn và chí hướng. Cả hai dành trọn 2 năm đầu để nghiên cứu cây giống, cách chăm sóc, thu hoạch hạt cà-phê, chế biến nguyên liệu. Bên cạnh đó, anh cùng các cộng sự tìm hiểu thị trường trong và ngoài nước, để vạch ra một kế hoạch chi tiết xây dựng và phát triển thương hiệu Việt, nâng tầm ly cà-phê Việt nói chung và cà-phê Buôn Ma Thuột nói riêng.

Trần Quốc Tùng hình ảnh 1
Nguyễn Nam Phương, Đặng Thế Diệp và Trần Quốc Tùng (từ trái qua) cùng nhau gầy dựng thương hiệu Azzan

Chưa hết, thông qua việc sản xuất cà-phê chất lượng, Trần Quốc Tùng muốn giúp bà con nông dân trên địa bàn có thu nhập tốt hơn bằng việc cam kết thu mua giá cao đi cùng điều kiện đảm bảo canh tác đúng quy trình, thu hoạch và chế biến nguyên liệu theo những tiêu chuẩn của Azzan.

Giữa rất nhiều thương hiệu cà-phê trên thị trường, điều khác biệt để khách hàng nhớ đến Azzan chính là quy trình khép kín, kiểm soát từ trồng trọt đến chế biến nguyên liệu và rang xay thành phẩm. Về giống cây, Azzan ưu tiên chọn những giống thuần chủng thay vì giống cao sản. Theo Trần Quốc Tùng chia sẻ vì giống cao sản cho sản lượng tốt nhưng chất lượng thơm ngon thì không bằng. Khi thu hoạch, anh chọn 100% quả chín để chế biến nguyên liệu theo nhiều phương pháp khác nhau.

Bên cạnh đó, cà-phê của Azzan được rang bằng máy rang công nghệ hơi nóng, khác biệt có thể nhận biết ngay khi thưởng thức. Anh Tùng cho biết, “máy rang công nghệ hiện đại sử dụng hơi nóng, hạt được quay đều 360 độ trong lồng trống và chín đều màu cả trong lẫn ngoài. Máy có hệ thống kiểm soát được việc gia giảm nhiệt đột ngột để giữ lại hương thơm hiệu quả nhất cho từng loại hạt cà-phê khác nhau.”

Chính sự chu đáo trong từng khâu mà Azzan tự tin về chất lượng. Xét về độ ngon, có lẽ chẳng một ai dám nhận vị trí số một bởi điều này còn tùy thuộc vào gu thưởng thức của từng khách hàng, từng vùng miền khác nhau. Tuy nhiên, nguyên liệu chất lượng, chế biến công phu, không có lý nào một ly cà-phê Azzan ra đời lại không làm thỏa mãn những người sành sỏi.

tran-quoc-tung-hinh-anh-5

Trần Quốc Tùng chia sẻ: “Người Việt bắt đầu quan tâm đến thông tin thành phần, xuất xứ và lựa chọn những sản phẩm an toàn cho sức khỏe. Khi người ta có hiểu biết, họ sẽ thay đổi theo hướng tìm và chọn mua sản phẩm cà-phê thuần túy”.

Cà-phê thật 100% không quá đắt

Theo đuổi tôn chỉ “cà-phê thật 100%”, khi được hỏi anh đánh giá thế nào về thị trường Việt và sở thích uống cà-phê của người Việt, chủ thương hiệu Azzan lạc quan cho biết hiện đã có rất nhiều nhà sản xuất cà-phê mới chọn đi theo con đường cà-phê tử tế cũng như nhiều nhà sản xuất cũ đã thay đổi hình thức sản xuất. Anh nói, “người Việt bắt đầu quan tâm đến thông tin thành phần, xuất xứ và lựa chọn những sản phẩm an toàn cho sức khỏe. Khi người ta có hiểu biết, họ sẽ thay đổi theo hướng tìm và chọn mua sản phẩm cà-phê thuần túy”.

Mặc dù vậy, đa phần người Việt có thói quen thích rẻ. Chính thói quen này đã và đang dung dưỡng cho những lừa lọc, độc hại trong từng sản phẩm tiêu dùng, trong đó có cà-phê. Theo anh Tùng, để có một ly cà-phê sạch, khách hàng không phải trả nhiều tiền như mọi người thường nghĩ. Giá một ly chất lượng, thật 100% dao động từ 15.000 – 30.000 đồng tùy vị trí mặt bằng và thành phố. Với mức giá như vậy, sẽ có người chấp nhận chi trả để được thưởng thức cà-phê chất lượng, dù rằng số lượng còn khiêm tốn.

tran-quoc-tung-hinh-anh-2

Người Việt quen thưởng thức cà-phê pha phin, ngồi nhâm nhi điếu thuốc, tán dóc với bạn bè. Đó cũng có thể coi là văn hóa của Việt Nam. Nhưng gần đây, trào lưu thưởng thức cà-phê mới du nhập như pha chế bằng máy hoặc pha bằng nhiều kiểu chuyên sâu khác cũng đã làm thay đổi dần thói quen của người Việt, đặc biệt là giới trẻ.

“Tôi đánh giá cao về trào lưu này vì đây là hình thức pha chế mà người tiêu dùng có thể tường tận quy trình xay, pha chế và thưởng thức. Việc này cũng làm tăng độ tin cậy, hiểu hơn về cà-phê thật 100%”. Đó cũng là lý do mà anh Tùng tham vọng xây dựng chuỗi quán cà-phê theo phong cách này nhằm đem những gì tinh túy nhất của Azzan đến gần với khách hàng.

Azzan luôn có các hoạt động ý nghĩa vì cộng đồng tại địa phương
Azzan luôn có các hoạt động ý nghĩa vì cộng đồng tại địa phương

Không tối ưu hóa lợi nhuận

Azzan không chỉ có cà-phê, mà còn có ca cao và sô-cô-la. Nhiều vùng tại Việt Nam trồng được cây ca cao nhưng dường như chỉ để xuất khẩu thô. Rất ít thương hiệu Việt tập trung vào sản phẩm này. Đặt vấn đề phải chăng đó là lý do để Azzan “đánh” vào thị phần ca cao, Trần Quốc Tùng thừa nhận thị trường này ít cạnh tranh hơn cà-phê, nhưng do quy trình sản xuất đòi hỏi kỹ thuật cao, thiết bị máy móc hiện đại… nên sản phẩm này khá kén nhà đầu tư.

Dù sự cạnh tranh trong nước không quá khốc liệt, nhưng để đứng vững, Azzan phải làm nên sự khác biệt về mọi mặt, đặc biệt là chất lượng sản phẩm và lợi ích người tiêu dùng. Đầu tư là thế, nhưng người tiêu dùng vẫn thường nghĩ theo lối mòn: đồ ngoại mới tốt. Trần Quốc Tùng trăn trở, “thật ra Việt Nam không thiếu về công nghệ, kỹ thuật nhưng công thức có lẽ chưa phù hợp. Bên cạnh đó, đa phần thương hiệu Việt thường chú trọng tối ưu hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp và chấp nhận “ăn xổi”, không chú trọng đến việc tạo ra sản phẩm chất lượng, gầy dựng uy tín thương hiệu lâu bền cũng như nâng cao giá trị nông sản nước nhà.”

tran-quoc-tung-hinh-anh-1

Cầm tận tay sản phẩm của Azzan, nhiều người sẽ thích thiết kế đơn giản nhưng chỉn chu. Trần Quốc Tùng còn thêm vào các biểu tượng văn hóa Việt và văn hóa Tây Nguyên nhằm quảng bá hình ảnh Việt đến tất cả mọi người trong và ngoài nước. Với những nỗ lực của mình, Trần Quốc Tùng và cộng sự, người tiêu dùng Việt sẽ luôn sẵn sàng ủng hộ sản phẩm Việt cũng như song hành cùng sự phát triển của Azzan.

Tiếp thị & Gia Đình